Tớ sẽ chia sẻ những trải nghiệm của chuyến đi “có hẹn với Lý Sơn” này. Nếu cậu chuẩn bị đi du lịch Lý Sơn thì hãy đọc và đừng ngại hỏi nhé!
Tip 1 – di chuyển đến sân bay Chu Lai rồi đến Quảng Ngãi:
- Tuỳ quỹ thời gian, ngân sách và mức độ liều, cậu chọn cho mình phương tiện di chuyển phù hợp (máy bay, xe ô tô khách, tàu lửa hay xe máy). Tớ chọn máy bay nên sẽ đến Chu Lai rồi ngược về Quảng Ngãi.
- Làm sao để có lựa chọn tốt nhất về thời gian bay và giá? Không nên xem và đặt trực tiếp ngay trên các website hay ứng dụng của các hãng hàng không vì như vậy cậu không so sánh được các lựa chọn. Có rất nhiều website hay ứng dụng hỗ trợ. Cậu chọn địa điểm đi đến và ngày dự kiến, sẽ có một loạt các lựa chọn, tha hồ chọn giờ bay và giá tốt nhất. Nếu ngân sách hạn chế và linh hoạt thời gian, sẽ có các gợi ý thời gian bay (khác ngày dự kiến) rẻ nhất. Sau khi có được lựa chọn của mình, cậu đối chiếu với hãng hàng không đó để có giá tốt hơn. Tuỳ từng thời điểm, đặt qua trung gian hoặc đặt trực tiếp sẽ có giá tốt hơn. Tớ chọn đi với Vietjet và về với Jetstar.
- Nếu chọn các hãng giá rẻ, cậu phải thật linh hoạt vì cậu phải check-in sớm hơn, dễ bị thay đổi giờ bay hơn, kiểm soát chặt chẽ về cân nặng của hành lý xách tay và ký gửi… Họ có thể sớm hoặc trễ cả ngày nhưng nếu các cậu trễ 5 phút thì coi như tiêu. Mua vé mới tại sân bay với giá chém ngọt nhé! Jetstar chuyển chuyến về của tớ từ 17:10 lên 11:25, mất tiêu 1 ngày của tớ. Tớ khóc, khóc to với hotline 19001550 nên đã được đổi qua 16:30 ngày hôm sau, miễn phí kèm giọng nói xin lỗi siêu ngọt của bạn Callcenter. Cậu cần “linh hoạt” là thế đấy.
– Nếu được, cậu nên check-in online trước chỗ ngồi cạnh cửa sổ, nếu chân dài thì nên chọn ghế hàng đầu, hàng thoát hiểm (giá cao hơn hoặc may mắn thì miễn phí). Ghế lối đi là giải pháp chắc chắn nhất.
- Không nên ăn trên máy bay vì hình ảnh trên menu và thực tế khác xa nhau, trừ khi cậu quá đói. Nước thì nên nhé, cậu không nên để mình bị “khô nước”. Chuẩn bị sẵn tiền mặt nhé, lẻ càng tốt.
- Cuối cùng, không nên dùng Galaxy Note 7 vì mặc dù chụp hình siêu đẹp nhưng bị cấm check-in hay xách tay. Tớ toàn chụp bằng iPhone thôi, vẫn ngon!
- Xuống sân bay, có sẵn xe bus chờ cậu để đi thành phố Quảng Ngãi, thời gian chạy 1h, bắt đầu ngay khi đầy chỗ, giá vé 40.000 đồng/lượt. Nếu muốn thoải mái hoặc đi nhóm đông thì taxi nhé. Bạn có thể chọn trạm dừng là khách sạn Cẩm Thành, ngay trung tâm thành phố Quảng Ngãi nhé.
Đang trên xe bus đây, tớ ngủ tí, thức dậy khi đến bến và đi tìm khách sạn ngủ đêm nay. Cậu đọc dài quá có mệt không đấy?
Tip 2 – một đêm tại thành phố Quảng Ngãi:
- Nếu có thể, cậu nên đến bến tàu Sa Kỳ trước 16:00 để kịp ra Đảo Lớn bởi thành phố Quảng Ngãi không có nhiều thứ để khám phá, trừ hải sản tươi ngon. Để biết lịch và đặt vé, cậu gọi số 0553626431 nhé. Chuyến đầu tiên là 7:30, chuyến cuối cùng là 16:00, có 2 loại tàu cao tốc và thường.
- Tớ đói, rất đói, hỏi thăm thì được giới thiệu quán Ty Tứ số 35 Trà Bồng Khởi Nghĩa (0983214249). Quán kiểu nhậu gia đình. Gọi 3 món: gỏi sứa, ốc cừ xào tỏi Lý Sơn và lẩu cua biển đều rất tuyệt, tươi ngon. Đa số các món đều rất cay. Món lẩu họ nấu với mắm, vị hơi nồng đối với trai Bắc như tớ. Không sao, phượt là phải trải nghiệm, càng lạ càng thú.
- Lòng vòng dạo phố cậu sẽ thấy nhà phố, biệt thự giống các thành phố cấp tỉnh khác, có khá nhiều quán cà phê sân vườn kiểu Window.
- Khách sạn thì rẻ, tớ chọn khách sạn Lê Lợi số 15 Lê Lợi (0553728999 – 0553837159), giá 200.000 đồng/đêm. Sáng mai 5:00 phải dậy vì mất 45 phút chạy xe máy từ trung tâm thành phố đến bến tàu Sa Kỳ. Vé có ghi rõ giờ tàu chạy và số ghế nên tốt nhất là cậu đừng lỡ. Nếu lỡ cậu chi thêm 115.000 đồng để có vé mới nếu còn chỗ.
- Ai biết ăn sáng món gì ngon nhỉ? Tớ thì không!
Tip 3 – ăn sáng và di chuyển đến Lý Sơn:
- Bến tàu Sa Kỳ cách trung tâm thành phố hơn 20km nên cậu chịu khó dậy sớm nếu muốn có nhiều thời gian ở Đảo Lớn.
- Đến du lịch Lý Sơn, nếu cậu đi taxi thì dễ rồi, tài xế nào cũng biết. Tớ đi xe máy. Nhưng đó là một phương án thông minh bởi tớ đã thấy cảnh bình minh còn đọng sương, nắng sớm, không khí chưa bị nhịp sống thành phố làm nóng lên. Ra khỏi trung tâm cậu sẽ thấy biển báo hướng Sa Kỳ và hướng biển Mỹ Khê. Chọn Mỹ Khê nhé, đường này thoáng, rộng và đẹp hơn nhiều.
- Ăn sáng thì có mấy lựa chọn:
+ Cháo lòng, bánh hỏi bà Soạn. Tớ đến nơi lúc 6:15 nên chưa có cháo, chỉ có bánh hỏi thôi. Mà sáng tớ không muốn ăn mắm nên đi. Cậu muốn thử món ở đây thì đến tầm 7:00. Bà ấy hơi cau có, nhịn nhé! Giọng Quảng Ngãi mà hình như là em ruột bà Cháo Chửi ở Hà Nội.
+ Bánh rập là món tớ ăn, bánh thì chả có gì đặc biệt (một cái bánh tráng nướng bẻ đôi, kẹp giữa là lớp bánh ướt có rắc hành lá) nhưng mắm nêm thì ngon tuyệt. Đời thế đấy, không muốn ăn mắm buổi sáng nên gặp phải mắm nêm. Một phần 10.000 đồng mà ăn hết có một nửa.
+ Ăn sáng tại bến tàu thì cực kỳ tệ và bẩn, căng tin ngập rác, ngập người và xô bồ.
- Tàu xuất phát đúng giờ, chật kín người, hôi và nóng mặc dù là tàu lớn nhất (An Vĩnh 01). Khách đi tàu thì chen lấn, la ó, ngồi lộn xộn mặc dù trên vé ghi rất rõ số ghế. Cậu cứ cắm tai nghe vào, nhắm mắt lại và nghe bản jazz bọn mình thích đi, đừng quên cái gối cổ vì cậu có thể ngủ thêm 1 giờ trong lúc tàu chạy.
- 9:00 tớ đã về đến homestay Phát Thịnh rất gần bến tàu, chị chủ nhà 01698589602 có giọng nói rất cao nhưng vui vẻ, nhiệt tình. Nhà mới, phòng sạch, yên tĩnh, chuẩn 150.000 đồng/đêm.
- Tớ ăn gói xôi bắp dừa mua dọc đường rồi nghỉ xíu đây.
Tớ đã đến vương quốc của tỏi! Sẽ ít những nụ hôn nồng nàn ở đây phải không cậu?
Tip 4 – chùa Đục:
- Đảo Lý Sơn không lớn nhưng còn rất nhiều những ngóc ngách hoang sơ để check in nên tớ đã thuê xe máy để đi, 100.000 đồng/ngày, cô chủ thương đổ luôn cho bình xăng. Đẹp trai và dễ thương có gì sai?
- Chùa Đục là nơi đầu tiên tớ ghé, cách trung tâm Đảo Lớn khoảng 8km. Chùa nằm lưng chừng núi Giếng Tiền, nhìn ra biển. Khung cảnh nhìn tuyệt đẹp mở ra khi tớ leo mấy trăm bậc thang, qua các động, hang nhỏ do các vị sư phái Khất Sĩ đục đá âm vào núi tạo thành các không gian thờ. Thô sơ nhưng linh thiêng và tự tại.
- Sư cô nhỏ nhắn thu mình trong màu áo cam đất, nhỏ nhẹ kể về những ngày sơ khai khi sư phụ của sư cô đi khất thực, tìm nơi tu hành. Sư cô sống trong một hang nhỏ, hàng ngày tụng kinh cầu bình an cho chúng sinh và siêu thoát cho những vong linh tại nghĩa trang dưới chân núi.
Cậu đủ dũng cảm chạy xe một mình xuyên qua nghĩa trang để ghé viếng chùa không?
Tip 5 – ăn và dạo phố:
Cậu đã ăn tối chưa? Đi dạo và ăn tối với tớ nhé?
Lý Sơn nổi tiếng với hải sản và tỏi. Thế nên gần như tất cả các món ngon nhất có 2 thành phần chính này.
- Ram cá thu cuốn với rau và bánh tráng phơi sương. Tớ không thích đồ chiên lắm nhưng vị tươi của rau làm át đi phần nào độ ấy. Tạm! 6 điểm.
– Mực xào đọt tỏi non, bò xào đọt tỏi non là 2 món tớ thích nhất. Bò hơi dai do là bò trên đảo, toàn ăn sỏi với cát hay sao í.
- Gỏi rong biển rất mát và tươi, nhớ xin và trộn thêm mắm chua ngọt và chấm với muối ớt xanh.
Tất cả những món này cậu đều có thể tìm thấy ở khu phố sầm uất, nhộn nhịp nhất của Lý Sơn, dài khoảng 100m, gọi là Phố Cầu Cảng, Thôn Tây, An Vĩnh, Lý Sơn.
Dạo phố là đi dọc con phố đó, đi qua rồi đi lại, uống sinh tố, uống nước thạch rong biển. Hết!
Tip 6 – lân cận chùa Đục:
- Ngay dưới chân chùa Đục là bãi biển với nước trong vắt, rong rêu mơn mởn xanh, cát vàng hạt to và cực kỳ vắng (có thể do tớ đi giữa trưa).
– Phía bên phải là mỏm của dãy núi Giếng Tiền với vách đá dựng, bào mòn tuyệt đẹp bởi sóng biển.
– Đi sâu vào trong, lên qua các khu mộ và các ruộng ngô, ruộng tỏi là khe nước. Mùa này nước cạn, chỉ còn đủ phục vụ tưới tiêu.
- Đỉnh núi Giếng Tiền rất cao nhưng do quân sự quản lý nên không thể khám phá view nhìn từ trên cao. Thật tiếc!
– Đi xa hơn về phía bên trái là cổng Tò Vò, mình còn để dành cho hoàng hôn ngày thứ 2.
- Cậu cần khoảng 1 tiếng để tham quan, chụp hình check in ở đây, giữa trưa nắng rất nóng nhưng bù lại là ánh sáng cực sâu.
Thôi tớ ngủ đây, hôm nay dậy sớm từ 5:00
Tip 7:
– Luôn dọn dẹp tài khoản iCloud trước và sau mỗi chuyến đi, nó cứu cậu nhiều bàn thua ép tim.
– Luôn đội mũ bảo hiểm khi chạy xe, kể cả khi không có công an (vì ngoài an toàn thì selfie với mũ bảo hiểm khi phượt luôn siêu ảo).
- Luôn mang bao chống nước, chống sốc cho máy ảnh hay điện thoại, loại bao có dây buộc vào cổ hay tay là tốt nhất, tránh tuột mất lãng nhách như tớ.
– Luôn cẩn trọng, lúc tưởng an toàn nhất lại là lúc cậu dễ bị “sập nguồn” nhất.
Không bao giờ mất hết hi vọng!
Tip 8 – chùa Hang:
- Chùa Hang nằm trong cụm các điểm check in siêu đẹp thuộc thôn Đông như Hang Câu, núi Thới_Lới, hải đăng Mù Cu… vừa chạy xe vừa tìm đường khoảng 30 phút từ cảng Lý Sơn (trung tâm đảo). Cậu nên dành nhiều thời gian cho điểm này trong chuyến du lịch Lý Sơn, nửa ngày là lý tưởng nhé.
- Cậu cứ men theo đường vòng quanh đảo, rẽ trái vào đường bê tông mới xây trước khách sạn Mường Thanh, hướng vào trong núi, vừa đi vừa hỏi nhé vì không có bảng chỉ dẫn đâu. Dọc đường, phía bên trái đường vòng quanh đảo cậu sẽ thấy rất nhiều đình, lăng cũ và mới tuyệt đẹp. Dân đảo rất tin vào tín ngưỡng thờ cúng Thần biển, Thành hoàng, … Lăng mộ của người đã khuất cũng được xây dựng, chăm sóc rất cầu kỳ, theo đúng văn hoá miền Trung.
- Chùa Hang nằm âm dưới lòng đất, trong một lòng hang rộng, ma mị khói nhang và sương, bất kỳ thời gian nào trong ngày.
- Phía trước chùa là một vùng biển rộng xanh thẳm, những dãy núi đá vân sắc sảo, vần vũ. Cạnh chùa là một hang rộng và cao, một bãi cát nhỏ để cậu (và tớ) cắm trại qua đêm, hấp dẫn không thua gì Đảo Bé cậu ạ. Sáng và chiều có thể chèo thuyền phao ra vùng biển trước hang, lặn ngắm san hô, ngâm mình trong làn nước biển trong vắt, rêu xanh rì mềm mại.
Tip 9 – cổng Tò Vò:
– Trên đường tới chùa Đục cậu sẽ thấy bên trái là một vùng biển tuyệt đẹp và cổng Tò Vò.
- Cổng không lớn nhưng tuỳ góc máy chụp và thời điểm chụp cậu sẽ có một khoảnh khắc đẹp. Dân phượt thường đến vào lúc hoàng hôn. Tớ đến vào khoảnh khắc trời sắp chuyển mưa, nắng còn sót lại chút hơi ấm cuối cùng.
– Từ đây cậu có thể thấy Đảo Bé ở phía xa chân trời.
Nếu có bơi ra đảo thì cậu nhớ quay lại ngắm cổng từ hướng này nhé, tớ chưa thử.
Tip 10 – đỉnh Thới Lới:
- Một trong những điều thú vị của chuyến phượt là tớ chẳng thể đoán nổi thời tiết. Trời đang nắng đẹp bỗng chuyển mưa, biển đang háo hức bỗng gầm gừ, Lý Sơn đang hiền lành, duyên dáng bỗng dữ tợn.
- Vào cái ngày mưa ấy tớ đã mặc áo mưa và lên đỉnh Thới Lới. Cậu nhớ là phải luôn có sẵn áo mưa cho những cơn mưa bất chợt.
- Đỉnh Thới Lới là nơi tuyệt vời nhất để ngắm bình minh. Nhưng bình minh của một ngày biển động trên đảo thì chỉ có thể ngủ. Tớ lên đỉnh giữa trưa mà mây mù mịt và lạnh lắm. Đường lên đỉnh không khó nhưng khá dốc. Bên trái là núi, bên phải là vực, nhìn xuống là biển và những trảng đồng bằng của đảo. Nếu cậu may mắn thì sẽ gặp thác nước tớ đã gặp, không có tên, không có trong các review của tụi phượt. Đấy, cậu thấy không, một ngày mưa gió vẫn thể mang lại cho cậu một bất ngờ tuyệt vời.
- Trên đỉnh núi là cột cờ Tổ quốc, giản dị nhưng hiên ngang. Gió mạnh lắm, cậu phải khéo chọn để có được góc hình ưng ý.
– Xa xa cậu có thể thấy Đảo Bé.
Biết đâu ngày nào đó bọn mình lại có dịp chèo thuyền phao hay chạy ca nô ra đảo bé cậu nhỉ, giống James Bond í.
Tip 11 – hồ Núi Lửa:
- Cao hơn cột cờ Tổ quốc, trên đỉnh núi Thới Lới là một lòng hồ rộng, xanh rì, được tạo ra từ miệng núi lửa rất lâu đời.
- Cậu có thể băng qua một hành lang dài bên cạnh hồ, phía bên trái là cửa xả lũ, vách núi nhìn xuống lòng đảo. Phía bên kia là một mỏm núi khác nhưng đã bị rào lại trước các vách đá dựng đứng, trơn trượt.
- Tớ thì không thấy có gì thú vị lắm, ngoài một view nhìn toàn cảnh đảo, có lẽ do hôm đó trời mưa và u ám. Ngày thường chắc cậu sẽ thấy bóng núi in trên mặt hồ, lấp lánh ánh nắng. Nhưng giữa không gian thiên nhiên xám xám ấy, cậu sẽ thấy một tấm biển nhỏ ghi một nội dung rất dễ thương:
“Đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh
Đừng để lại gì ngoài những dấu chân”
Tip 12 – hang Câu:
- Trên đường từ núi Thới Lới về lại trung tâm đảo, cậu đừng quên rẽ vào hang Câu. Đây chính là nơi mà những bộ đội biên phòng, kỹ sư dàn khoan đã rời Lý Sơn để ra khơi tiếp cận dàn khoan 981 Haiyang Shiyou của Trung Quốc. Chính họ là những người đầu tiên phát hiện và đăng tải những hình ảnh tuyệt đẹp của Lý Sơn.
- Hang Câu có cấu trúc đá tuyệt đẹp, in khắc rõ từng lớp bào mòn của thời gian và sóng biển. Từng phiến đá, từng vách núi, từng đám rêu, … đều ẩn chứa một câu chuyện riêng.
- Tớ đã ngồi với chú trông hang, nghe câu chuyện về cuộc đời chú, về thời hào hùng trai tráng chinh phục nhiều vùng biển, về thương tật vĩnh viễn do một lần lặn sâu và ngoi lên đột ngột, về những đêm chống bão biển, về niềm tự hào bảo vệ lãnh thổ, về sự nhân từ của biển ngay cả trong thời khắc bão hung tợn nhất… Thời gian đã hằn trên khuôn mặt và làn da người đàn ông bé nhỏ ấy một cuộc đời đáng kính phục.
Cậu đừng quên ghé thăm chú và gửi chú lời chào của tớ nhé!
Tớ khép lại nhật ký du lịch Lý Sơn ở đây. Tớ còn chưa được cắm trại, ngủ lều trên đảo; chưa được lặn xem san hô; chưa được ngắm bình minh trên đỉnh Thới Lới, ngắm hoàng hôn qua cổng Tò Vò; chưa được đến Lý Sơn cùng cậu…
Mình sẽ quay lại, đúng không?
Tớ!
11-113-115 Lê Lai, P. Máy Chai, Q Ngô Quyền- Hải Phòng.
Điện thoại: 02253.759.679 - Fax: 02253.759.680
Hotline: +84 (0) 906 018 169
Email: [email protected]
Website: viet4mua.vn - viet4mua.com.vn
Chi nhánh Việt 4 Mùa tại TP HCM
Địa chỉ: 50 Tôn Thất Đạm, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1-TP Hồ Chí Minh.
Tel: +84 (0) 2838 389 988
Hotline: +84 (0) 906 018 169