Tuy không còn là điểm đến xa lạ nhưng Đà Lạt vẫn níu chân biết bao du khách, cứ lên Đà Lạt được một lần rồi thì cứ muốn quay lại mãi. Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng, cách Sài Gòn 307 km và cách Hà Nội khoảng hơn 1.400 km, do vậy bạn có thể lựa chọn nhiều phương tiện di chuyển cho chuyến du lịch Đà Lạt của mình.
Từ Hà Nội có các hãng xe như Thu Minh, Tài Thắng… có giá giao động 600-700.000 đồng/người/chiều. Còn ở Đà Nẵng bạn có thể chọn hãng Phương Trang (265.000 đồng/người/chiều) hoặc Thanh Thủy (260.000 đồng/người/chiều).
Để có chuyến vi vu Đà Lạt, bạn nên đặt vé trước một ngày nhé, bọn mình chọn hãng xe Thành Bưởi đón khách tại trạm Văn Thánh (586 Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh). Bạn nên có mặt trước từ 30-45 phút trước khi xe khởi hành để nhận phiếu ghi số ghế nhé.
Khởi hành từ 10h30 (tối thứ 6) đến 4h30 (sáng thứ 7). Xe trung chuyển Thành Bưởi đưa nhóm về khách sạn đã đặt từ trước, do trời còn sớm nên được chị chủ vô cùng dễ thương sắp xếp chỗ nghỉ ngơi chờ đến sáng nhận phòng.
Giá mỗi dorm chỉ 80.000 đồng.
Ngày 1 (thứ 7): Thiền Viện Trúc Lâm – Hồ Tuyền Lâm – Đường Hầm Đất Sét – Nhà thờ Con Gà – Nhà ga Đà Lạt – Trường cao đẳng sư phạm.
6h00: thức dậy và chuẩn bị đồ. Bọn mình thuê xe với giá 100.000 đồng/ngày.
7h00: thưởng thức bánh căn nóng hổi tại quán bánh căn Cây Bơ (56 đường Tăng Bạt Hổ).
Có 2 loại bánh căn trứng gà và trứng cút ăn cùng mắm nêm hoặc nước mắm có thêm xíu mại được pha vừa miệng. Ngoài ra bạn có thể ăn thêm chả với giá 5.000 đồng/cây.
Bánh dày ngọt – cũng giống với bánh dày mặn, bánh dày ngọt (20.000 đồng/10 cái) dẻo dẻo, dai dai thêm nhân đậu xanh hoặc nhân dừa, hương vị trở nên thơm và bùi.
Sau đó tráng miệng với yogourt phô mai 5.000 đồng/hũ.
8h00: đổ xăng và thẳng tiến đến Thiền Viện Trúc Lâm. Chạy theo tuyến đường Triệu Việt Vương ngang qua Dinh III và đường Trần Nhân Tông, bọn mình như bị hút mắt bởi các thung lũng vườn ươm ở phía bên dưới.
Hướng ra Thiền Viện Trúc Lâm có các hàng thông xanh ngắt, bạn có thể dừng lại bên đường để chụp ảnh nhưng chú ý không nên dừng ở các khúc rẽ khuất tầm nhìn của xe nhé, sẽ rất nguy hiểm đấy.
9h30: Tham quan địa điểm đầu tiên là Thiền Viện Trúc Lâm. Nằm trên núi Phụng Hoàng, Thiền Viện được bao phủ bởi rừng thông bát ngát luôn là chốn thanh tịnh cho những ai đến dạo chơi, tham quan.
Từ thiền viện theo lối hướng xuống Bến du thuyền, có những căn chòi nhỏ và nhiều ghế đá để bạn nghỉ ngơi, ngắm cảnh hồ Tuyền Lâm.
Đường xuống Bến du thuyền.
Những cây thông cao vút xen lẫn các loại cây khác luôn là điểm chụp hình lý tưởng cho những ai muốn có khung nền thiên nhiên tươi mới.
11h00: bọn mình lấy xe và chuyển hướng sang Đường Hầm Đất Sét cách Thiền Viện 9,2 km. Cung đường men theo Hồ Tuyền Lâm với một bên là vách núi, khá đẹp và lôi cuốn.
Tình cờ bắt gặp bãi đất trống, dừng chân một chút bọn mình có tầm nhìn gần hơn về phía hồ Tuyền Lâm rất đẹp.
12h00: sau khi mua vé cổng (40.000 đồng/người), lần đầu tiên cả nhóm đến Đường Hầm Đất Sét (hay còn gọi là Đường Hầm Điêu khắc) bọn mình cảm thấy khá thú vị khi ở đây tất cả khối kiến trúc đều làm bằng đất sét mô phỏng lại các địa điểm nổi tiếng của Đà Lạt như Nhà thờ Con Gà, Nhà ga Đà Lạt , Dinh Bảo Đại…
Một điều đặc biệt khi bước vào sâu bên trong khu vực Đường Hầm này đó là vườn hoa cẩm tú cầu, tha hồ chụp những bức ảnh lung linh cùng hoa.
13h15: tiếp tục quay về thăm Nhà thờ Con Gà trên đường Trần Phú. Đường Nhà Chung kế bên nhà thờ là một trong những con đường ăn uống với rất nhiều quán ăn từ món ăn chính đến món ăn vặt, tha hồ cho các bạn khám phá.
15h00: rời nhà thờ theo đường Trần Quốc Toản qua Hồ Xuân Hương thơ mộng, đến đường Yersin – Nguyễn Trãi vào Ga Đà Lạt. Nhà ga có nét kiến trúc cổ xưa được xây từ thời Pháp vào năm 1932 khiến bất cứ du khách nào đến đây đều ấn tượng. Do Đà Lạt nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển nên Ga Đà Lạt được xem là nhà ga cao nhất Việt Nam. Đến đây bạn có thể trải nghiệm mua vé ngồi tàu với đoạn đường 7 km băng qua vườn ươm của Trại Mát.
Qua nhiều năm tháng, tàu ở Ga Đà Lạt vẫn mang dáng vẻ cổ kính luôn là ý tưởng cho những ai thích chụp hình vintage ở đây.
Một chuyến tàu vừa đưa hành khách từ Trại Mát quay về.
16h00: điểm cuối cùng trong ngày – Cao đẳng Sư Phạm nằm trên đường Yersin chỉ cách ga tầm 1,2 km.
Ngay lối vào sân chính của Trường Cao đẳng Sư Phạm, hai cây phượng tím nở rộ thu hút rất nhiều ánh mắt đến chiêm ngưỡng.
Chiều tà khiến khung cảnh của trường trở nên yên ả, điều ấn tượng ở ngôi trường là dãy nhà hình cong có tháp chuông với độ cao 54 m chìm dần theo ánh mặt trời. Bước qua các dãy nhà khác trong khuôn viên trường khiến cả nhóm nhớ đến những ngôi trường lâu đời ở Sài Gòn như trường THPT Marie Curie hay Nguyễn Thị Minh Khai.
17h00: cơn đói bắt đầu kéo đến, bọn mình quay về tìm đến số 1A/1 Thông Thiên Học để thưởng thức tô bánh ướt lòng gà thơm ngon.
Điều làm nên một tô bánh ướt lòng gà ngon ở đây ngoài bánh ướt mịn và gà mềm thì theo mình nghĩ đó là nước nắm chan vào bánh ướt. Nước mắm không quá mặn, không quá chua, một chút ớt say cùng hành phi cùng rau răm hành tây, hương vị trở nên đậm đà hơn hẳn Một tô chỉ 20.000 đồng thôi.
19h00: tản bộ ở Quảng trường Lâm Viên. Điểm nhấn của quảng trường là cung nghệ thuật khối bông hoa dã quỳ và khối nụ hoa, được thiết kế bằng kính màu chịu lực nhằm tạo không gian nghệ thuật mang đặc thù của Đà Lạt.
Khối kiến trúc nụ hoa dã quỳ trong ánh đèn lung linh nổi bật giữa quảng trường rộng lớn.
Thưởng thức món bánh tráng nướng ở quảng trường.
Tiếp đến bọn mình ghé sang chợ Đà Lạt. Buổi tối thứ 7 chợ đông với nhiều hoạt động buôn bán tấp nập, chợ như một thiên đường đồ ăn, quần áo ấm, phụ kiện… khiến bọn mình tấp vô ngó nghiêng không bỏ sót sạp nào.
Khu ăn uống sẽ khiến bạn không cưỡng lại được hương vị thơm ngon của các món ốc hay các món nướng…
Đi bộ sang quán sữa đậu nành Hoa Sữa tại số 64 Tăng Bạt Hổ, nhóm nhâm nhi ly sữa đậu nành nóng chỉ 6.000 đồng kèm theo vài cái bánh cho đúng điệu.
Về đến Homy, mình cũng không quên đặt vé xe cho nhóm chuyến 14h00 chiều chủ nhật khởi hành về lại Sài Gòn.
Ngày 2 (chủ nhật): Chùa Linh Phước – Đồi Chè Cầu Đất – Vựa dâu
6h00: thu xếp đồ và gửi nhờ tại Homy.
7h00: ăn sáng món bánh mỳ xíu mại tại một quán trên đường Thông Thiên Học. Một chén xíu mại có thêm da heo kèm 2 bánh mỳ làm cả bọn ấm bụng hẳn.
1 chén xíu mại có da heo kèm 2 bánh mỳ chỉ 10.000 đồng thôi.
7h30: chỉ mất 20 phút từ trung tâm thành phố Đà Lạt nhóm đi theo đường các đoạn đường Sương Nguyệt Ánh – Nguyễn Đình Chiều – Trần Quy Cáp – QL 20 chạy thẳng đến chùa Linh Phước. Tham quan chùa Linh Phước hay còn gọi là chùa Ve Chai – ngôi chùa xác lập 11 kỷ lục với kiến trúc độc đáo từ những mảnh ghép sành, sứ, mảnh chai khiến nhóm ngỡ ngàng vì chúng được ghép rất tỉ mỉ và công phu.
Trên tháp treo quả Đại Hồng Chuông 36 m được xem là quả chuông nặng nhất Việt Nam, các bạn có thể ghi những lời nguyện lên giấy và dán lên chuông rồi ngân lên một tiếng chuông thành tâm cầu nguyện.
Ít ai biết rằng bên dưới của Tháp chuông là nơi trưng bày những món đồ cổ quý giá có trị giá cả từ chục triệu đến hàng trăm triệu từ bàn tay tài hoa từ nhiều nghệ nhân điêu khắc. Ngoài ra, cùng tầng hầm này còn trưng bày tượng Phật Ngọc cùng tượng các tăng nhân nữa. “18 tầng địa ngục” ở tầng hầm thứ 2 dành cho các bạn thích khám phá và tìm hiểu các loại hình phạt cho những linh hồn tội lỗi.
Lên đến điện thờ 324 tượng Quán Thế Âm cao 3,7 m, “điểm nhấn” là một tượng ở trung tâm điện cao 17 m được xác lập kỷ lục tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát bằng bê tông cốt thép cao nhất Việt Nam.
Sang khu điện tượng Phật Quan Âm Bồ Tát được kết từ hoa bất tử – một loài hoa đặc biệt của Đà Lạt không bao giờ tàn phai qua năm tháng luôn mang những ý nghĩa cao đẹp.
9h00: trên cùng tuyến QL 20 từ Chùa Linh Phước đến Đồi chè Cầu Đất chỉ 15,2 km, bọn mình lại đi qua một cung đường đèo ngập tràn rừng thông nữa, nhìn xa xa bạn có thể nhìn thấy vườn rau của các hộ dân. Vượt qua đèo đi thêm 2 km nữa là đến đồi chè nằm phía bên tay trái.
Bạn rất dễ dàng nhìn thấy cổng của đồi chè Cầu Đất.
Bọn mình để xe ở một bãi đất trống sau đó thỏa thích chụp hình, nếu bạn thích lên cao hơn nơi có quán café container nhìn toàn cảnh đồi chè thì hãy chạy lên tiếp nhé.
Nếu muốn có một chỗ chụp hình đẹp mà không có bất kỳ ai lọt vào khung ảnh thì con đường phía lưng chừng lừng đồi chè là nơi thoải mái nhất.
Tha hồ “bung lụa” nhé.
10h30: bọn mình quay về tìm đường “vựa dâu”. Nếu bạn nào không có nhiều thời gian đến vườn dâu thì đây là gợi ý thú vị cho bạn. “Con đường vựa dâu” nằm trên tuyến đường Nguyễn Công Trứ có nhiều nhà thu hoạch dâu tại vườn rồi đem ra vựa bán hoặc đóng gói sản xuất. Dâu ở đây họ đã đóng sẵn với các mức giá khác nhau như 80.000 đồng/hộp/kg hoặc 60.000 đồng/hộp/nửa kg (tùy loại dâu và tùy thời điểm).
Nhìn hấp dẫn không nào.
12h00: bọn mình về trả xe máy và lấy CMND, sau đó đi ăn trưa với món bánh ướt lòng gà.
13h00: xe trung chuyển Thành Bưởi đón bọn mình tại điểm hẹn và 14h00 lên xe về Sài Gòn kết thúc 2 ngày 1 đêm trốn nóng tại Đà Lạt. Bọn mình hẹn một dịp gần nhất sẽ quay lại khám phá Đà Lạt với những cũng bậc và cảm xúc mới.
Tổng chi phi cho chuyến đi du lịch Đà Lạt 2 ngày 1 đêm là 945.000 đồng/người (chưa bao gồm chi phí mua quà mang về), bao gồm:
- Vé xe Thành Bưởi: 420.000 đồng/người.
- Giường Dorm: 80.000 đồng/người.
- Thuê xe: 150.000 đồng.
- Vé cổng Đường hầm Đất Sét: 40.000 đồng/người
- Ăn uống: 215.000 đồng/người.
- Chi phí khác (gửi xe, xăng): 40.000 đồng/người.
Lưu ý:
- Thiền Viện Trúc Lâm là nơi trang nghiêm, khi đến các bạn chú ý nên mặt trang phục phù hợp.
- Quan sát thật kỹ khi rẽ ở các cung đường đèo (chú ý gương).
- Các bạn chỉ nên đi vào lối mòn có sẵn để chụp hình ở đồi chè Cầu Đất và giữ vệ sinh xanh, sạch cho đồi chè nhé.